Ulysses của James Joyce và vấn đề thể loại

Standard

Nguyễn Linh Chi

James Joyce (1882-1941), nhà văn Ailen, thường được nhắc đến như một trong những nhà cách mạng vĩ đại của tiểu thuyết hiện đại phương Tây. Một trong những đóng góp vô cùng to lớn của ông vào việc đổi mới kỹ thuật tiểu thuyết thế kỷ XX nằm ở vấn đề thể loại.

Kiệt tác Ulysses (1916), đúng như lời tuyên bố của tác giả, đã khiến giới nghiên cứu phê bình văn học phải đau đầu. Bên cạnh sự rắc rối, phức tạp của ngôn ngữ, của tầng tầng lớp lớp những ẩn dụ và biểu tượng, của những ngụy trang và gài bẫy, thì vấn đề thể loại cũng khiến người ta bàn cãi mãi không thôi.

Chúng ta vẫn gọi Ulysses là tiểu thuyết, một trường thiên tiểu thuyết ngót ngàn trang. Không có cách gọi nào khác, đơn giản vì không có một tên gọi nào có thể chỉ ra được đích xác nó là gì. Nếu chỉ nghe gọi trường thiên tiểu thuyết thôi thì không ít người sẽ chỉ chú ý đến độ dài của văn bản và tính bao quát của nội dung thể hiện. Một cuốn tiểu thuyết đồ sộ như vậy chắc hẳn sẽ có khả năng bao quát mọi mặt của đời sống xã hội, hướng đến những vấn đề mang tầm cỡ hoành tráng của thời đại. Mọi phán đoán đó với Ulysses vừa đúng vừa không đúng. Không đúng bởi cuốn sách này, nhìn bề ngoài, không nói về một vấn đề mang tầm cỡ vĩ đại của thời đại, không mô phỏng các sự kiện có tầm cỡ bước ngoặt lịch sử của một dân tộc. Đúng bởi suy cho đến cùng mọi phán xét vẫn dựa vào việc người ta coi cái gì là quan trọng trong đời sống lịch sử của cá nhân mình, của dân tộc mình và thời đại mình.

Ulysses được chia thành mười tám chương không đánh số, không đặt tên. Mười tám chương này ngăn cách nhau bởi một gạch ngang ngắn. Trước khi bắt tay vào thực hiện công việc sáng tạo giống như thiên chức sáng tạo vạn vật của Chúa Trời (theo Joyce là vậy), Joyce đã đưa ra quan niệm của riêng ông về “những dạng thức nghệ thuật”:

“Có ba dạng thức của nghệ thuật: loại mang tính chất trữ tình, mang tính chất anh hùng ca và mang tính chất kịch. Loại hình nghệ thuật mang tính chất trữ tình khi người nghệ sĩ xây dựng hình tượng liên quan trực tiếp đến bản thân anh ta; loại hình nghệ thuật mang tính anh hùng ca là nhờ người nghệ sĩ xây dựng hình tượng liên quan trực tiếp đến bản thân anh và cả những người khác nữa; còn loại hình nghệ thuật mang tính kịch là khi người nghệ sĩ xây dựng hình tượng liên quan trực tiếp đến người khác...” [1].

Vậy, Ulysses nằm ở đâu trong cái ranh giới thể loại mà Joyce phân định có vẻ rất rạch ròi trên? Một tác phẩm đồ sộ vĩ đại lại đề cập đến những điều vụn vặt tầm thường trong đời sống thường ngày của một con người cũng tầm thường. Thiên anh hùng ca của Joyce phải chăng là vậy?

Ảnh

by Barrie Maguire

Trước khi tìm ranh giới thể loại cho cuốn sách, chúng ta nên cẩn trọng nghe lời cảnh báo của Walton Litz: “Nếu chúng ta vượt lên trên quan niện đơn giản gọi Ulysses là một tiểu thuyết bởi nó là một tác phẩm văn xuôi đa dạng và rộng lớn với sức nặng nằm trên lòng bàn tay, và cố gắng giải mã nó trong một phương pháp chung của tiểu thuyết – thì liệu hướng đi này có thực sự mang lại một cách hiểu tinh tế hơn về Ulysses, hay giống như nhiều chiến lược phê bình khác, nó sẽ mang lại nhiều mối nguy hại hơn là làm cho vấn đề trở nên sáng tỏ?”[2]. Rõ ràng Walton Litz thấy rằng phê bình lí luận tiểu thuyết đang phải đối mặt với một “thách thức lớn nhất” từ trước đến nay. Xoay quanh vấn đề gọi tên cho thể loại của Ulysses, có biết bao ý kiến trái chiều nhau. Lời cảnh báo trên của Walton Litz là để mở đầu cho việc ông đưa ra những ý kiến nhằm phản bác lại việc người ta coi Ulysses là một tiểu thuyết. Thiết nghĩ, không phải đến Litz, người ta mới nghi ngờ về hình thức của Ulysses. Bản thân Joyce khi ông viết kiệt tác của đời mình, ông đã băn khoăn trước hai từ “tiểu thuyết”, và kể từ nửa sau năm 1918, hiếm khi nào còn thấy ông sử dụng thuật ngữ “tiểu thuyết” để nói về tác phẩm của mình. Có lẽ ông sợ sử dụng thuật ngữ của phê bình hình thức sẽ khiến tác phẩm của ông bị trói chặt vào một thể loại cố định. Và khi ấy, người ta rất có thể nhầm lẫn vị trí của nó trong lịch sử của thể loại. Ulysses là sự khởi đầu cho một loại hình thức mới, chứ không phải là sự tiếp nối cho một hình thức cũ đã có truyền thống từ lâu rồi. Một trong những nhà nghiên cứu phê bình đã phát hiện tài năng của Joyce từ rất sớm, T.S.Eliot, cũng đã ủng hộ quan niệm coi Ulysses là một tác phẩm vượt ra ngoài phạm vi phân loại của phê bình thể loại: “Tôi không khẩn nài yêu cầu gọi Ulysses là một “tiểu thuyết””[3].

Trong khi Walton Litz và T.S.Eliot cố gắng giải mã cái gọi là hình thức của Ulysses thì vẫn có những nhà nghiên cứu tìm cách đưa tác phẩm trở về với cái khung thể loại quen thuộc. Khư khư trong đầu một quan niệm coi tiểu thuyết là một hình thức bên ngoài, S.L.Goldberg khẳng định Ulysses là: “…một tiểu thuyết, và sức hấp dẫn vĩnh cửu của nó là điều luôn hấp dẫn chúng ta đối với tiểu thuyết; sự soi sáng về đạo đức của nó – và cuối cùng, về mặt tinh thần – là sự trải nghiệm của con người đang tồn tại. Và dù đó là một tiểu thuyết không bình thường, đan xen rắc rối với những thành phần đặc biệt khác thường, tầm quan trọng của nó phân tích đến cùng là đã được thiết lập, trên cơ sở ấy”[4]. Dẫu đã nhận thấy sự “không bình thường” ở Ulysses nhưng Goldberg vẫn trung thành với quan niệm tiểu thuyết truyền thống. Việc coi cuốn sách là một tiểu thuyết dường như đã khiến Goldberg không nhận thấy vai trò và bước tiến của Ulysses. Trong dòng chảy phát triển của thể loại, Ulysses không chỉ dừng lại ở chỗ là một cuốn tiểu thuyết “không bình thường”. Bởi thế thì nó chẳng có gì khác với sự “khác lạ” của A Portrait of the Artist as a Young Man cả.

*

*      *

Ulysses gồm có mười tám chương. Mười tám chương được viết theo những cách thức khác nhau. Chỉ xét ở hình thức bên ngoài, chúng tôi đã nhận thấy sự khác thường. Trong mười tám chương ấy, có mười chương: chương I, II, III, IV, V, VI, VIII, XIII, XIV, XVI được viết dưới dạng thức văn xuôi chủ yếu sử dụng kỹ thuật độc thoại nội tâm và dòng ý thức. Một chương, chương VII, sử dụng hình thức của báo chí. Chương XII giống như một bản liệt kê với những tên người viết hoa cùng tên các địa danh viết liền nhau. Chương IX và XI giống một bản hòa âm với đầy đủ khuông nhạc, nốt nhạc, nhịp và phách. Chương XV là một vở kịch dài không phân hồi phân cảnh; chương XVII lặp lại màn giáo lý vấn đáp y như ở trường học. Chương cuối cùng, chương XVIII, kỹ thuật dòng ý thức được Joyce đẩy lên đến tận cùng với 63 trang sách chỉ có một dấu chấm câu ở cuối cùng.

Thoạt nhìn, hình thức chương VII với độ dài 42 trang được thiết kế như những bài viết xếp cạnh nhau trong một tờ báo. Bên dưới những tiêu đề in hoa có vẻ là nội dung của bài viết. Có tất cả 60 bài báo (nếu tính mỗi phần gồm tiêu đề và nội dung là một bài báo), cách nhau một hàng, với độ dài ngắn khác nhau. Có bài viết chỉ 7 dòng, nhưng có bài viết dài 47 dòng. Thử tiếp cận nội dung của những bài báo này chúng tôi thấy không phải lúc nào tiêu đề và nội dung cũng của chúng cũng liên quan trực tiếp với nhau. Tất nhiên không phải vô cớ mà chúng được sắp xếp như vậy. Có lẽ ý nghĩa nằm ở đâu đó dưới những ngôn từ đang cố tình tỏ ra xa lạ và dửng dưng. Nhan đề THE WEARER OF THE CROWN khiến chúng ta liên tưởng đến một vị vua đầu đội vương miện, nhưng nội dung bên dưới lại nói về: “Bên dưới cánh cổng của bưu điện trung tâm, một gã đánh giày đang ngồi và đánh xi giày. Những chiếc xe thư sơn màu đỏ của Quý ngài tôn kính đỗ trên phố North Prince , bên sườn xe in những chữ cái viết tắt của hoàng gia, E. R.,…” (Ulysses, tr.148). Hay nhan đề ERIN, GREEN GEM OF THE SILVER SEA lại chẳng thấy nói gì về viên ngọc xanh của biển bạc mang tênErin cả. Cả một đoạn đối thoại dài (trong hình thức báo chí, nó sẽ mang dáng dấp của một bài phỏng vấn) giữa đám thanh niên lại chẳng có vẻ gì là BUỒN (SAD) như nhan đề của nó.

Âm nhạc trở thành chủ đề chính cả về nội dung lẫn hình thức của chương XI. Cả một không gian tràn ngập “lời ca tiếng hát” và “nhạc đệm”. Tiếng hát mê hồn của những nàng Siren giờ đây được thay thế bằng chất giọng đàn ông lại đã uống quá nhiều trong quán bar Ormand. “Nhạc đệm” xuất hiện ngày càng nhiều, nhanh và gấp gáp dần lên tỉ lệ thuận với cường độ của những giọng nói và những vỏ chai. Thoạt đầu, những tiếng vỗ tay (có lẽ vậy) còn đơn lẻ, rời rạc từng tiếng một; sau càng lúc càng tăng lên dồn dập cùng với không khí tràn ngập hơi men và tiếng cười đùa nhả nhớt của những “nàng Siren” hầu rượu:

Tap.  

Tap. Tap.

Tap. Tap. Tap…

“Giọng ca” của những ca sĩ lúc đầu còn “tròn vành rõ tiếng”, sau chắc vì uống quá nhiều nên không thể hát rõ lời nữa, lời ca chỉ còn là những âm thanh gừ gừ phát ra từ cổ họng:

Rrr.

Rrrrrr.

PrrPrr.

Fff. Oo. Rrpr.

Pprrpffrrppfff

Chương XII giống một bản liệt kê dài những tên người, hay địa danh, thậm chí có những từ cực kỳ khó hiểu: “Monsieur pierrepaul Petitepatant, the Grandjoker Vladinmire Pokethankertscheff, the Archjoker Leopold Rudolph von Schwanzenbad – Hodenthaler,...”

Một vở kịch đồ sộ đột ngột chen ngang vào mạch tự sự giữa chương XIV và XVI. Vở kịch một hồi ở chương XV có tới 260 nhân vật tham gia diễn các vai khác nhau. Tham gia vào cuộc đối thoại dài bất tận của vở kịch ấy có cả những vật, đồ vật và con vật như bánh xà phòng, chiếc đồng hồ, chòm sao Thủy tinh sẫm mầu, một con cua, thậm chí cả một bàn tay chết cùng những linh hồn ở cõi bên kia. Cuộc đối thoại không hẳn hướng về một chủ đề thống nhất. Mỗi nhân vật trong hai trăm sáu mươi chủ thể đối thoại ấy dường như không mấy quan tâm tới câu chuyện của người đối thoại với mình. Chính vì thế nên chúng ta có cảm giác cả hai trăm sáu mươi nhân vật ấy cùng cất lời một lúc, không ai nghe ai nói gì cả, một bản hợp âm với những âm thanh hỗn độn, nhiều khi vô nghĩa.

Cũng thuộc dạng thức đối thoại nhưng không giống với đối thoại phân vai của sân khấu như ở chương XV, chương XVII trình bày một màn giáo lý vấn đáp như ở trường học. Một câu hỏi, tiếp đến là một câu trả lời. Chủ thể đối thoại không hiện diện trực tiếp trên bề mặt của văn bản mà giấu mình đi. Các câu hỏi và trả lời nhiều khi được người thứ ba gián tiếp thuật lại. Chủ đề mà các câu hỏi trong màn vấn đáp này đề cập tới cũng nghiêm túc và rõ ràng. Có lẽ nội dung mang tính khoa học này phù hợp với hình thức kiểm tra kiến thức ở trường học. Kết thúc Ulysses là một màn độc thoại nội tâm dài tới sáu mươi ba trang không hề có dấu câu ngoại trừ dấu chấm câu cuối cùng. Lúc này thời gian đã bước sang ngày hôm sau, Leopold Bloom sau một ngày lang thang, mệt mỏi lê bước về nhà vùi mình trên chiếc giường còn nồng mùi ân ái của đôi tình nhân vụng trộm. Người đàn bà sau giấc ngủ say, thỏa mãn vì dục tình, nằm trên giường và miên man nghĩ, lại chỉ nghĩ về đàn ông và tình dục.

Vậy là Ulysses chứa đựng trong cơ thể của nó cả một tổng hợp những thể loại: tự sự, trữ tình, kịch, báo chí, âm nhạc, giáo lý vấn đáp… Đến đây thì có lẽ việc gọi cuốn sách này đơn giản chỉ là tiểu thuyết thôi có lẽ thực sự không ổn. Vậy, chúng ta nên gọi nó là gì cho hợp lý: tiểu thuyết, anh hùng ca, kịch, trữ tình, âm nhạc hay báo chí? Nó là một dạng thức tổng hợp, là một cuốn từ điển về thể loại.

Có quá nhiều bàn cãi xoay quanh vấn đề thể loại của Ulysses. Nhưng rõ ràng mọi cố gắng để nhằm xác định cho nó một tên gọi xác đáng đều dẫn tới thất bại. Goldberg đã nỗ lực tìm ra những lí do thuyết phục để xếp Ulysses vào hàng ngũ những tiểu thuyết Anh. Nhưng nỗ lực này đã làm giảm đáng kể uy tín của tác phẩm. Vượt lên Goldberg trong thành tựu nghiên cứu về Joyce, dựa vào lý thuyết giải phẫu văn chương của mình, Northrop Frye đã tôn vinh Ulysses là một “…áng sử thi bằng văn xuôi có đầy đủ cả bốn hình thức trên, tất cả có tầm quan trọng thực tế như nhau, có quan hệ mật thiết với nhau, đến mức cuốn sách là một thể thống nhất chứ không phải là một tập hợp”[5]. Bốn hình thức thể loại của ngôn ngữ viết mà Frye đề cập đến ở trên là tiểu thuyết, sám hối, giải phẫu và trữ tình. Khi Frye cho rằng Ulysses có một sự thống nhất giữa bốn hình thức thể loại trên, ông đã tìm thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chúng trong một chỉnh thể là Ulysses.

Những bằng chứng rõ ràng bước đầu mà chúng tôi đã dẫn ra trên kia cũng cho thấy trong bản thân Ulysses chứa đựng quá nhiều các thể loại khác. Việc phân chia các chương theo thể loại mà chúng thể hiện thực ra chỉ mang tính tương đối. Không ai dám quả quyết trong mười chương viết theo “kiểu tiểu thuyết” trên không hề có xen chút nào tính chất của kịch, trữ tình hay sám hối; ngược lại trong tám chương viết theo đủ các loại thể kia lại không hề lẫn chút nào của tiểu thuyết. Việc Frye coi Ulysses là một “áng sử thi bằng văn xuôi”, có đủ cả bốn hình thức của thể loại trên, rốt cuộc vẫn là một cố gắng nhằm xác định thể loại cho Ulysses mà thôi. Vậy, nên chăng chúng ta thử bỏ đi hết mọi quan niệm về thể loại bên ngoài khi tiếp cận Ulysses.

Nhưng chính Walton Litz cũng thừa nhận: “Sẽ cũng thật là điên rồ khi tiếp cận Ulysses mà không có bất kỳ một khái niệm trước nào về thể loại của nó (mà điều đó luôn là không thể) và tiếp cận nó với một khái niệm thể loại cố định trong đầu”[6]. Để giúp làm sáng tỏ hơn ý kiến của mình, Litz đưa ra khái niệm thể loại bên ngoài và thể loại bên trong. Ông tuyên bố không thể tiếp cận Ulysses nếu giữ trong đầu khái niệm hình thức bên ngoài. Vậy, hình thức bên trong của tác phẩm là gì? “Ulysses đòi hỏi chúng ta phải hiểu nó cả ở trong không gian và thời gian – có nghĩa là khi đọc tác phẩm chúng ta phải đồng thời có ý thức tác phẩm như một hình ảnh phi thời gian, giống như cái thành phố mà nó bắt chước, và ý thức về sự tiến triển của tác phẩm qua thời gian – thể loại bên trong của Ulysses chính là hình ảnh tổng thể của chúng ta về tác phẩm, nó được sáng tạo lại và thay đổi vào mỗi lần ta đọc lại nó”[7]. Mọi sơ đồ mà chúng ta chuẩn bị sẵn trước khi bước vào tìm hiểu Ulysses đều sụp đổ. Lần đọc sau không hề giống với lần đọc trước. Và lần nào cũng vậy, tất cả những gì chúng ta đem theo làm hành trang để bước vào lãnh địa thiêng ấy đều chẳng mấy phát huy tác dụng. Thomas Jackson Rice đã hoàn toàn có lý khi cho rằng: “lý thuyết về sự hỗn loạn (chaos theory) là phương thức hữu hiệu để có thể hiểu Ulysses[8]. Và chúng ta đừng mong có thể hiểu một cách thấu đáo lý thuyết mà ông đưa ra. Bản thân “sự hỗn loạn” không có chỗ để chúng ta có thể rành mạch phân chia ranh giới.

*

*       *

Vậy, việc chuẩn bị hành trang cho mình khi bước vào tìm hiểu thể loại tác phẩm của Joyce là cần thiết, nhưng chúng ta, những người yêu thích thế giới của Joyce, cũng chuẩn bị sẵn một tâm lý để đừng bao giờ thất vọng, dẫu biết điều đó là vô cùng khó khăn. Chính nỗi thất vọng tức thời ấy lại lập tức đem lại cho chúng ta một nhiệt huyết mới. Và, dẫu có rành rẽ phân chia theo quan niệm của mình đến đâu chăng nữa, chúng tôi vẫn không muốn đưa ra một kết luận cuối cùng bởi thấy không kết luận nào là thỏa đáng. Gọi Ulysses của Joyce là tiểu thuyết cũng đúng (từ xưa đến nay người ta vẫn gọi thế cả trong cả những từ điển văn học thế giới) mà không coi nó chỉ đơn thuần là tiểu thuyết cũng chẳng sai. Chính cảm giác không định hình và sự liên kết của rất nhiều thể loại ấy đã khiến Ulysses tạo ra một thể loại mở, ăn bám vào các thể loại khác. Sự lệch chuẩn trong kỹ thuật viết của Joyce đã ghi dấu ấn đặc biệt trong cuộc cách mạng của chủ nghĩa hiện đại.

Ảnh

by http://anakegoodall.wordpress.com

CHÚ THÍCH

[1] Joyce, James, Ghi chép ở Paris, đề ngày 6 tháng 3 năm 1903.

[2] Mary, T.Reynolds, James Joyce- A Collection of Critical Essays, New Centery View Prentice-Hall, Inc., 1993, tr.109.

[3] Mary, T.Reynolds, James Joyce – A Collection of Critical Essays, New Centery View Prentice-Hall, Inc., 1993, tr.110.

[4] Mary, T.Reynolds, James Joyce – A Collection of Critical Essays, New Centery View Prentice-Hall, Inc., 1993, tr.111.

[5] Mary, T.Reynolds, James Joyce – A Collection of Critical Essays, New Centery View Prentice-Hall, Inc., 1993, tr.113.

[6] Mary, T.Reynolds, James Joyce – A Collection of Critical Essays, New Centery View Prentice-Hall, Inc., 1993, tr.114.

[7] Mary, T.Reynolds, James Joyce – A Collection of Critical Essays, New Centery View Prentice-Hall, Inc., 1993, tr.114.

[8] Rice, Thomas Jackson, Joyce, Chaos and Complexity,University ofIllinois Press, 1997, Lời giới thiệu.

Bản tác giả gửi Lyluanvanhoc.com

(Dẫn từ lyluanvanhoc.com)

Leave a comment