Monthly Archives: June 2012

Mùa thu trên ngón tay (Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Thuần)

Standard

Trong buổi dã ngoại miền biển họp mặt đầu năm học, Hạnh đã kể về một vở kịch trong đó cô vừa là tác giả, đạo diễn lẫn diễn viên chính: Một cô gái xinh đẹp được các chàng trai trong lớp cảm mến. Trong các chàng trai lại có một chàng trai cảm mến nhiều hơn cả, có biệt tài đan nhẫn cỏ và đính lên nó những bông hoa tuyệt đẹp như những viên kim cương. Anh nhút nhát nhưng là kẻ biết trân trọng những tình cảm vu vơ của tuổi học trò. Những người bạn trai biết được nên tạo cơ hội bằng cách bảo cô bé nhắm mắt lại và anh đeo chiếc nhẫn cỏ vào tay cô. Trò chơi này cứ diễn đi diễn lại nhiều lần cho đến khi cô bước vào đại học mới giật mình tự hỏi ai đã đeo cho cô chiếc nhẫn tuyệt đẹp đó. Cô giật mình cũng phải thôi, cơ hội để có những chiếc nhẫn đã không còn. Trong liên hoan chia tay cuối năm, cô rụt rè hỏi mọi người về người bạn mà cô đã đối xử một cách vô tình. Đổi lại, cô nhận được câu hỏi tại sao cô không hé mắt? Khi tặng cô chiếc nhẫn cỏ, tác giả của nó mong cô hé mắt biết bao nhiêu. Vở kịch đã đóng lại trong sự tiếc nuối vô hạn…
Cả lớp vỗ tay tán thưởng và đồng lòng bình bầu người kể chuyện duyên dáng nhất là Hạnh. Thằng Toàn nói: “Chúa ơi! Tại sao hồi giờ tôi không tặng cho Hạnh một món quà như vậy nhỉ?”. Chúng tôi cười ồ lên. Con Hoa nói:
– Tao nghĩ cái thằng nhút nhát kia hơi cù lần. Nếu tao là nó, tao sẽ banh mắt con nhỏ kia ra. Tao còn… móc mắt nó ra nữa là khác.
– Nhưng nếu thế hết chuyện còn gì – Một người lên tiếng – Cậu phải nhớ, trong tình yêu phải có cao trào, thế mới đẹp, mới đáng yêu, nhưng nếu con nhỏ kia… mở mắt thì sao nhỉ?
– Eo ôi – Bọn con gái hét lớn – Chúng nó sẽ yêu nhau mất. Còn gì là tuổi học trò.
– Tao kịch liệt phản đối chuyện mở mắt…
– Tao cũng vậy!
Cuối cùng chúng tôi đi đến kết luận nhắm mắt là hợp lý hơn cả. Khi nhắm mắt, chúng ta vẫn giữ được tình bạn cao cả và trong sáng.
Chiều quét nhẹ trên biển một vết son dài. Mọi người tụm năm tụm ba thành từng nhóm riêng ngắm mặt trời lặn. Thằng Toàn ôm đàn hát, lâu lâu ngả sang giọng anh Lam Trường, lâu lâu “độn” thêm giọng chị Phương Thanh nghe thật kỳ quái. Ngồi mãi một hồi cuồng chân, tôi đi dọc theo biển, sóng vỗ cồn cào vào chân. Hạnh chạy theo, giọng nói trong vắt và âm ấm: “Chờ Hạnh với!”. Tôi định nói tại sao Hạnh lại kể câu chuyện đó, có phải Hạnh muốn tất cả chúng tôi cần phải nhắm mắt lại? Nhưng cuối cùng tôi chỉ nói một câu quá ư… lãng mạn: “Biển đẹp quá!”. Đi dạo trên bờ biển, Hạnh tiết lộ cho tôi biết người chị của cô chính là cô gái vô tình trong vở kịch. Hạnh dựa vào đó, viết nên.
– Nhưng đó không phải là sự thật – Hạnh nói – Chị ấy luôn biết ai đã tặng quà cho mình.
– Thật à? Chuyện đó xảy ra như thế nào?
– Cái anh chàng đó, Hạnh vẫn còn nhớ. Anh ta đến nhà hai lần, lần nào đến cũng ngồi yên rồi về. Hết trung học, anh đăng ký đi bộ đội, sang Campuchia.
– Thế anh ấy có biết, chị của Hạnh biết anh ta không?
– Cũng không biết nữa. Có lẽ anh ta không hay chuyện này. Hôm ra đi, anh ta có tặng cho chị Hạnh quyển sổ, dặn nhớ viết thư. Nhưng rồi anh ta bặt tin. Rồi giấy báo tử gởi về nhà. Hồi đó Hạnh còn nhỏ. Hạnh chỉ nhớ anh ta có một đôi mắt sáng, trán cao và tất cả con người anh ta toát lên vẻ hiền hậu. Bốn năm sau người ta mới hay tin anh ta còn sống và trở về nhà. Anh bị một vết thương nặng trên trán. Anh không còn biết gì về mình. Một đơn vị đã nhặt được anh ở cánh rừng…
– Anh ta mất trí à?
– Cũng gần như vậy. những năm tháng sau này, anh vẫn ngồi đan những chiếc nhẫn cỏ nhưng hoàn toàn không nhận ra người ngày xưa anh từng trao tặng…
Mặt trời đã lặn. Chúng tôi quay về trại. Thằng Toàn đang hát một bài buồn và mọi người ngồi im nghe. Tự dưng tôi thấy một nỗi sợ hãi lạ lùng khi chợt nhìn những người trẻ tuổi im lặng, như thể sự im lặng không dành cho họ. Những giây phút như vậy như có một lứa tuổi khác đang nằm bên dưới khuôn mặt đó, cử chỉ đó. Họ đang suy nghĩ điều gì? Chỉ còn năm nay, chúng tôi sẽ ra trường, mỗi người sẽ kiếm một thế giới riêng cho mình. Tức là chúng tôi sẽ làm những phép cộng. Tôi cộng cuộc sống vào đời tôi, một đời sống đầy thực thụ chứ không thơ mộng ở giảng đường. Đồng thời, tôi cũng làm những phép trừ. Tôi trừ thằng Toàn vì nó về Hà Nội. Tôi trừ con bé Lan vì nó về Đắc Lắc. Tôi trừ thằng Tí, thằng Dũng vì tụi nó về Cần Thơ. Tôi trừ hết, chỉ còn mình tôi ở lại Sài Gòn. Những cuộc gặp gỡ cộng và trừ đã để lại trong tôi những nỗi buồn quay quắt. Thằng Toàn lại hát: “Tôi như con kiến xanh trên giậu bìm leo một hôm hỏi giếng sâu bầu trời như thế nào. Tôi như giấc mơ riêng lạc vào cơn gió hỏi đường về trên nếp mắt. thế nào là một ngày thức dậy? … Bây giờ là mùa đông rồi nên thu sau đứng đợi trong lớp vỏ rêu khô. Bây giờ là mùa thu rồi…”. Thằng Hoàng la lên: “Thôi đừng hát nữa, tao sợ cái kiểu như vầy lắm!” Rồi như lỡ lời, nó bỏ đi ra biển. Đôi vai to rộng của một người lớn lên từ vườn ruộng nhô lên trên đốm sáng sót lại từ bầu trời lù mù. Không ai nói gì, tôi lặng lẽ đi theo nó. Dọc theo mép nước, thằng Hoàng hai chân thả xuôi, hai tay chống ra sau như một xác chết trôi. Tôi ngồi xuống bên cạnh nó và im lặng. tôi chờ nó nói trước nhưng cuối cùng tôi phải lên tiếng:
– Sao vậy?
– Chẳng sao cả!
– Thế sao mày gắt gỏng?
– Thế mày bảo tao phải làm thế nào? Chẳng có gì vui. Ngày mai tao về quê. – Tao không hiểu. Mày nói lại coi!
– Tao bỏ học.
– Là sao?
– Vẫn là tiền thôi. Tao rất tiếc, nhưng hết cách rồi. Nhà tao ở quê đã cạn tiền. hôm nay tao vào đây là để chia tay lớp mình. Nhưng đừng cho ai biết trước khi tao đi. Tao sợ những cuộc chia tay bịn rịn, phiền lắm.
– Tao biết lòng mày hơi yếu nhưng chẳng sao – Tôi nói – Khóc một lần cũng chẳng chết. Không ai có nhiều chuyện buồn để mà khóc hoài.
– Thôi! Không cần đâu. Khi tao đi, mày nói với nhỏ Hạnh, tao giống như cái thằng trong vở kịch đó – Giọng Hoàng nhỏ hẳn.
“Mùa thu đã vắt kiệt trong tôi bằng tiếng ve cuối. bằng những cơn gió mà
tôi không hiểu từ đâu thổi. Bằng cái nắm tay vội vã trong từng ngón tay. Và
bằng cái nhìn sau lưng ấm áp…”.Tôi không ngủ được, trở dậy bảo thằng Toàn:
– Mày ngưng hát được không! Tự dưng tao thấy ngột ngạt quá, cả buồn nữa. chắc tại chuyện thằng Hoàng. Ngày mai nó về cuốc đất rồi kìa. Nó bỏ học, hiểu chưa?
Tôi và thằng Toàn bỗng nhiên lặng phắc.
Trong bóng tối, thằng Hoàng khóc. Đầu tiên tôi không nhận ra điều này. Sau, vai nó run dần bên cánh tay của tôi từng đợt khẽ khẽ, nhỏ nhỏ, ngượng ngập. Nó nghiêng người sang hướng khác để khỏi chạm vào tôi. Tôi tưởng tượng ra hình ảnh của nó trong bóng tối. Một thằng sinh viên vạm vỡ, khỏe mạnh, mặt ngầu, tính bộc trực mà cũng có thể khóc. Tôi lại hình dung điều nó khóc rồi tự bào chữa. Quê nó ruộng đất thênh thang, chỉ thiếu người làm. Nó chỉ cần làm tốt một đám ruộng là đủ nuôi mẹ, chỉ cần thêm một đám nữa thì đủ nuôi vợ, thêm một đám nữa, nuôi con. Thế là sống nhàn, sống khỏe. Khóc làm quái gì! Tôi nghĩ miên man rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Biển đêm sóng vỗ thật dữ dội, nó gào thét từ phía mạn Bắc như một cái loa phóng thanh. Hơi nước phả vào trong lều lạnh ngắt khiến tôi giật mình thức dậy. Ai bảo trong mơ không có tiếng sóng. Sóng phủ người tôi như một mẻ lưới ngon, từ đầu đến chân người tôi vẩy trắng. Đã 3 giờ sáng. Tôi chồm dậy. Thằng Hoàng đã biến mất. Chỗ nằm vẫn còn ấm chứng tỏ nó vừa ra đi – Một cuộc ra đi sớm để tránh cái nhìn bịn rịn của bạn bè, để tránh một nỗi buồn dễ chạm phải. Tôi vụt chạy ra biển. Biển vắng tanh. Tôi chưa kịp khuyên Hoàng điều gì, thật vô tâm! Những giọt nước mắt của nó trong đêm khiến tôi ân hận. dọc theo bờ biển, tôi đi miết, vừa đi vừa nghĩ ngợi vừa nghe tiếng sóng. 5 giờ sáng, tôi mới gặp Hoàng nằm vắt vẻo trên bờ cát và ngủ. Tôi ngồi bên nó im lặng ngắm mặt trời mọc, bàng hoàng vì một dáng vẻ thanh bình. Ánh sáng mới sinh trên biển yếu ớt như những sợi tơ lấp lóa đỏ hồng. Thằng Hoàng cựa mình ngồi dậy. Nó nói:
– Mọi người về hết rồi à?
– Không, tụi nó còn đang ngủ mơ. Tao thức là vì cứ “ám ảnh” bởi ai đó len lén bỏ đi khi mọi người đang ngủ. Ra đi… mãi mãi! Thật là tiểu thuyết! Cuối năm nay, nhất định phải bắt nhỏ Hạnh dựng vở kịch bi đát, thêm vào chi tiết “ra đi” này.
– Mày chưa nói với Hạnh chuyện tao về quê chứ?
– Tất nhiên là chưa. Vẫn trong vòng bí mật. Nhưng tao tiết lộ cho mày một điều, vở kịch hoàn toàn không phải như vậy.
– Nghĩa là…?
– Cô gái vẫn nhắm mắt. Nhưng điều đó không có nghĩa là cô không biết ai đã đặt chiếc nhẫn cỏ vào tay cô. Trong tâm hồn mỗi con người đều có một con mắt. Chúng mở suốt ngày đêm và âm thầm thông báo những tình cảm phát sóng âm thầm.
Thằng Hoàng đứng dậy:
– Thôi, đừng nói lung tung. Tụi mình về đi!
– Về đâu?
– Về chỗ trại, chứ về đâu?
– Làm gì – Tôi cảm thấy nhẹ nhõm.
– Chẳng làm gì cả. tao chỉ ngồi chờ nhỏ Hạnh ngủ dậy, vậy thôi.
– Rồi mày sẽ nói gì? Chẳng lẽ bảo đây, kem đánh răng đây, bàn chải đây, em hãy đánh răng đi! Đánh răng xong chúng mình sẽ nói chuyện “bóng gió”.
– Vớ vẩn! Về! – Hoàng bỏ đi trước.
Những sợi tơ màu hồng trên biển không còn nữa. Chúng trở nên rực rỡ và lém lỉnh. Ước muốn chờ nàng dậy đã không thực hiện vì mọi người đã dậy rồi. Khuôn mặt Hoàng có vẻ hồng hào. Nó phụ chúng tôi thu dọn lên đường trở về thành phố. Chẳng có cuộc chia tay lâm ly nào xảy ra. Cũng chẳng có chiếc nhẫn nào được trao. Không phải tương lai chỉ có một con đường nên chẳng cần nhỏ giọt nước mắt nào cho một lộ trình ngoài dự định. Tôi nói lúc chia tay Hoàng:
– Mày sẽ quay lại trường?
– Tao sẽ quay lại – Hoàng nói – Nhất định phải học.
– Mày còn cả một “tương lai” rực rỡ đang học trong lớp nữa đó – Tôi dặn thêm.
– Ừ, tao biết – Hoàng ghé tai tôi. Hy vọng nó đừng mở mắt, nếu nó mở mắt, tao không biết phải làm gì…
– Thì lúc đó mày… nhắm mắt lại!
Hoàng cười phá lên:
– Cha mày! Nhưng tao thích nó nhắm mắt kia. Khi nhắm mắt, nhìn “đê mê điên dại” lắm.
Chúng tôi lên xe về thành phố, về với trường đại học. Thiếu thằng Hoàng. Nhưng nó sẽ trở lên. Toàn ôm đàn hát:
“Để cụ thể bầu trời, những đám mây mọc ra từ phía cuối. Để cụ thể con đường, những hàng cây xanh ngắt mới chen. Để cụ thể yêu em, ta không cần phải làm gì nhọc sức hơn một vì sao. Thở dài và chớp tắt. Để cụ thể hôm nay, tôi đạp xe suốt những ngày dài cùng mơ mộng thầm kín. Tôi tạm hiểu một ngày như những vòm cây vừa chia đôi. Nửa cho tôi và nửa cho những niềm hy vọng…”

Ảnh

TP. Hồ Chí Minh

27.06.2012

Cảm nhận về tác phẩm “Cánh đồng mẹ” của Ch.Aimatov

Standard

Aimatov được ví như người nghệ sĩ trên thảo nguyên Kyrgyztan, người cất lên những lời ca êm ái, dịu dàng nhưng cũng rất đỗi hào hùng về thiên nhiên và con người của đất nước Trung Á này. Sáng tác của Aimatov đã vượt qua những cánh đồng tiểu mạch, những con đường rợp bóng sồi Xanh và những ngôi làng nằm yên dưới chân núi để đến với độc giả Việt Nam. Mỗi lần đọc tác phẩm của ông, dường như đất nước xa xôi ấy lại hiện lên với vẹn nguyên vẻ đẹp của nó: dân dã, mộc mạc trong cảnh sắc và đáng yêu, đáng quý trong tình người.

Truyện “Cánh đồng mẹ” được xuất bản lần đầu tiên ở Liên Xô vào năm 1963. Tác phẩm là tiếng nói của người mẹ Tongônai lên án chiến tranh qua cuộc chuyện trò của bà với một người mẹ khác: Cánh đồng mẹ. Đồng thời tác phẩm cũng được xem như những trang viết xúc động về tình cảm gia đình, tình người và tình yêu quê hương, xứ sở. Từ cánh đồng này, bao lớp người đã lớn lên, đã yêu nhau, đã ra đi vì đất tổ Kyrgyztan và ngã xuống vì hạnh phúc lớn lao của nhân loại. Tônganai đã mất chồng và ba người con trai trong chiến tranh Vệ quốc, mất cả người con dâu mà bà yêu thương như con gái mình. Bà chỉ còn đứa cháu nhỏ, đứa cháu chưa biết gì về sự thật của gia đình, rằng ngoài bà, nó chẳng còn ai thân thích. Tongônai gọi cánh đồng là mẹ, bà mẹ hiền từ và bất tử. Dù chỉ là hình ảnh biểu trưng, nhưng cánh đồng mẹ lại mang tầm triết lý lớn lao, gửi gắm nhiều tư tưởng của Aimatov.

Tác phẩm có thể được chia làm 3 phần chính: trước, trong và sau chiến tranh. Ở mỗi phần lại có những loạt sự kiện đan xen nối tiếp nhau.

Khi đất nước còn yên bình, năm ấy Tonganai mười bảy tuổi: đáng yêu, trong sáng, đầy sức sống. Cô yêu và cưới Xuvankun, một chàng trai hiền lành như ngọn cỏ, khỏe mạnh và chăm chỉ như một chú ngựa trên thảo nguyên. Rồi họ có với nhau ba mặt con. Mỗi đứa con có một cuộc đời riêng, một suy nghĩ riêng. Nhưng với Tongônai, cả ba đều dễ thương biết chừng nào. Kaxưm là con cả, lái máy kéo rất cừ. Maxenbech làm thầy giáo và Giainac làm bí thư đoàn thanh niên. Rồi Kaxưm lấy Aliman, một cô gái miền núi nước da bánh mật, tháo vát và giàu lòng yêu thương hệt như Tôngônai vậy. Và Tongônai, với tình cảm đôn hậu của một người mẹ, đã nhận ra tình yêu vô bờ mà Aliman dành cho Kaxưm khi nàng lặng lẽ đặt những bông hoa cẩm quỳ lên máy kéo của anh: “Thế là tốt, cảm ơn con, nàng dâu thảo của mẹ […] Tuổi trẻ là gì? Ôi, Aliman nàng dâu trẻ của ta, con người mà ta đã ghi xương khắc cốt, thích chơi hoa như trẻ con. Mùa xuân ấy, tuyết hãy còn phủ đầy từng đống, vậy mà nó đã mang về những bông hoa đầu tiên của mùa hoa…Ôi Aliaman”. Tongonai cảm nhận sự ấm no một cách rất tinh tế qua hình ảnh miếng bánh. Từ một thứ mang giá trị vật chất, người mẹ đã nhìn thấy biết bao ý nghĩa tinh thần to lớn hàm ẩn trong đó: “Trong suốt cả cuộc đời con đã nhiều lần ăn bánh của vụ mùa mới và lần nào cũng vậy. Khi đưa miếng bánh lên miệng là con đang làm một việc thiêng liêng”. “Đó là miếng bánh của nhân dân, miếng bánh thiêng liêng”. Với Tongônai, tất cả thật thiêng liêng, dù là miếng bánh hay bó hoa cẩm quỳ đều gợi nhắc đến đất mẹ, đến người dân Kygyrtan và những vẻ đẹp bất diệt mà quê hương ngàn đời đã trao lại cho thế hệ Tônganai. Người ta sinh ra ở đây, chết cũng ở đây, hạnh phúc ở đây và chịu đau khổ cũng ở nơi này – Kyrgyztan.

Gia đình bà Tôngônai tưởng như sẽ sống cuộc đời giản dị và bình yên mãi bên những cánh đồng, những đóa hoa và những vụ mùa cho tới khi nhận được tin chiến tranh bùng nổ. Chiến tranh làm mọi thứ đảo điên như một trận cuồng phong dữ dội. Xuvankun và Kaxưm vào bộ đội. Alima bàng hoàng như không thể tin nổi chiến tranh lại đến nhanh như vậy: “Con vẫn biết sớm muộn gì cũng đến lúc Kaxưm đi bộ đội như nhiều người khác thôi. Vậy mà khi nghe tin này, chân con như muốn khuỵu xuống. Và đôi tay đau rã rời đau ê ẩm đến nỗi con đánh rơi liềm và ngồi thụp xuống”. Ngôi làng bước vào thời kì chiến tranh, cùng chung số phận với đất nước Kyrgyztan: mất mùa, đói kém và chết chóc. Tongônai sống trong tâm trạng “giấu kín trong lòng nỗi sợ hãi.” Tongonai đã sợ hãi, sợ chồng và con trai sẽ hi sinh ngoài mặt trận, sợ những điều không may sẽ ập đến với gia đình. Cái gia đình chỉ còn hai người phụ nữ nương tựa vào nhau, tự an ủi để sống qua chuỗi ngày đợi chờ và hi vọng.

Người mẹ âm thầm gánh vác mọi thứ, không gì có thể quật ngã được bà. tình yêu thương gia đình và Tổ quốc hòa quyện làm một trong tâm hồn Tongônai: giản dị nhưng cũng rất cao cả. Nhưng cái tin Xuvankhun và Kaxưm hi sinh đã làm bà không thể nào chịu đựng nổi. “Và con không còn nghe thấy gì nữa, con đã bị điếc ngay tức thì. Con đã bị điếc, có lẽ vì tiếng thét của chính mình. Và con đường làng chòng chành, con thấy mọi cây cối đều đổ ngã”. Còn Aliman cũng thật đáng thương “mặt mũi xây xước, tóc rối tung, áo sống rách mướp, hét to tới nỗi không nghe thấy gì”. Giây phút ấy, Tônganai tưởng như “cả thế kỉ đã trôi qua”. Nỗi đau làm ngưng tụ tất cả: không gian, thời gian, cảm xúc. Mọi thứ dồn ứ và nghẹn ngào trong sự bất hạnh không gì bù đắp được. Aliman kêu lên thảm thiết: “Mẹ ơi vậy là chúng ta gọa bụa cả rồi, mẹ ơi! Những người đàn bà góa bất hạnh! Mặt trời của chúng ta. Đen tối, mẹ ơi bóng ngày đen tối!”.

Rồi Giainac, đứa con út cũng lên đường nhập ngũ mà ra đi không lời từ biệt. Giainac là lính nhảy dù, ba lần nhảy dù vào căn cứ của địch. Anh dũng cảm hi sinh trong khi làm nhiệm vụ. Tongônai đã chồng chất nỗi đau thành một ngọn sóng lớn trong lòng. Đứa con ra đi khi mới mười tám tuổi, mà mỗi lần Tongônai nghĩ tới, bà lại khóc thương và nức nở không nên lời.

Nhưng nỗi đau lại tiếp nối nỗi đau, Manxenbêch cũng hi sinh. Anh tình nguyện nhận nhiệm vụ phá kho quân trang của địch, chỉ một mình anh đối diện với kẻ thù và cái chết, nhưng anh không hề sợ hãi mà hiên ngang sừng sững như một tượng đài. Chàng trai ấy chưa dạy các em nhỏ được bài học nào nhưng trong lá thư gửi mẹ, anh nói về sự hi sinh của mình: “Đây là bài học đầu tiên cũng như bài học cuối cùng con dạy cho con trẻ, những người đáng lẽ ra con phải dạy dỗ”. Tongônai thấy lòng nặng trĩu như trong cơn mơ. Bà đã mất người thân thứ tư. Tất cả dường như sụp đổ.

Tongônai trút hết tâm sự với “Cánh đồng mẹ” – Người mẹ vĩ đại của dân tộc Kyrgyztan, người mẹ muôn đời của nhân loại. Đặc biệt, những lời tâm sự  sau đây của Tongônai và “Cánh đồng mẹ” được xem là tuyên ngôn lên án chiến tranh mà Aimatov đã ấp ủ qua rất nhiều tác phẩm. Đây cũng là lời ngợi ca những người nông dân chất phác, những người lao động chân chính: “Đất mẹ ơi, tại sao núi lại không sập, nước không tràn bờ khi những người như Xuvankun và Kaxưm hi sinh? Cả hai – cha và con – đều là những nhà nông vĩ đại. Thế giới đời đời dựa vào những con người như thế, họ nuôi dưỡng thế giới và trong chiến tranh, họ bảo vệ thế giới, họ là những người đầu tiên trở thành lính chiến. Nếu như không có chiến tranh, Xuvankun và Kaxưm còn làm được biết bao nhiêu việc, cày cấy được bao nhiêu ruộng đồng và còn làm ra bao nhiêu thóc lúa. Và bản thân họ còn thấy được bao nhiêu niềm vui của cuộc đời. Hãy nói cho con hay, Đất Mẹ, hãy nói thật đi: con người có thể sống mà không cần chiến tranh hay không?”

Trong bức thư mà Manxenbech gửi mẹ trước lúc ra đi, anh đã giải đáp được câu hỏi ấy của bà Tongônai: “…Không phải chúng ta cần đến chiến tranh và cũng không phải chúng ta gây ra nó, đó là thảm họa cho chúng ta, cho tất cả mọi người. Và chúng ta phải đổ máu, phải hi sinh tính mạng để đánh bại con quái vật đó. Nếu chúng ta không làm điều đó, chúng ta không xứng danh là CON NGƯỜI”. Triết lý sâu sắc này thực sự làm người đọc cảm động. Đó không phải là lời nói suông, mà Manxenbêch đã dùng cả mạng sống của mình để chứng minh cho điều lớn lao ấy.

Và có lẽ chỉ những ai đã trải qua chiến tranh mới thấm thía rằng: “Chiến tranh đã giết chết bao nhiêu người bằng nọc độc của nó”. Tongônai dường như đã hết nước mắt để khóc than cho số kiếp, bà gánh vác mọi việc thay đàn ông, lấy lao động thay cho nước mắt. Bà tự ý thức rằng cuộc sống là một chuỗi những tháng ngày tiếp nối, bà phải sống cho xứng đáng với sự hi sinh của Xuvankun, Kaxưm, Giainac và Maxenbech. Để máu của bao chiến sĩ không bao giờ đổ xuống vô ích. Trong đất đai của Kyrgyztan có máu xương của chồng và các con, nên bà yêu đất mẹ như yêu người thân thiết ruột thịt, như thấy cuộc đời bao giờ cũng có lẽ phải của nó…

Chiến tranh kết thúc, cuộc sống yên bình trở lại. Thảo nguyên vẫn xanh, mây trắng vẫn trôi và con người vẫn phải sống. Đứa con dâu mà bà yêu quý trong một phút giây không kìm nén được đã có con với một anh chăn cừu. Kaxưm đã hi sinh trong chiến trận và hai vợ chồng chưa có với nhau đứa con nào, nay Aliman lại mang thai với người đàn ông khác, Aliman vừa tủi thân vừa xấu hổ vừa oán trách bản thân mình. Nếu là người khác, Tongônai sẽ hắt hủi con dâu và xem đó như một điều nhục nhã. Nhưng không, bà vẫn dịu dàng an ủi và chia sẻ với Aliman, bà luôn bên cô mỗi lúc cô tuyệt vọng nhất. Tình thương vô vàn của người mẹ đã thôi thúc bà chăm sóc và yêu thương con dâu như con gái mình, giúp cô vượt qua mặc cảm để sống đến ngày sinh con. Trên đường Aliman được đưa đến bệnh viện, cô bị tai biến lúc sinh nở nên đã trút hơi thở cuối cùng, “chết rũ trên tay Bechtas, hai tay buông thõng như hai sợi dây thừng”. Aliman đáng thương hơn đáng trách, cô chỉ là nạn nhân chứ không phải kẻ tội đồ. Tất cả là vì chiến tranh gây nên bao điêù oan nghiệt.

Từ đó, Tongônai chỉ còn lại đứa cháu nhỏ thông minh và đáng yêu, hệt như bố, các chú và người mẹ cậu nữa. Khi nâng niu miếng bánh mà Gianbôlốt, đứa cháu bé bỏng, đưa cho mình, Tongônai lại thấy “bánh phảng phất mùi dầu mỡ, mùi sắt thép, mùi thơm lúa chín. Đúng, đúng thế, đứng hệt như hồi xưa! Con nhai miếng bánh lẫn trong nước mắt và nghĩ: Lúa bất tử, Kaxưm của mẹ! Cả cuộc sống cũng bất tử và cả lao động cũng bất tử”

         Triết lý về sự bất tử được lặp đi lặp lại nhiều lần qua các hình tượng trong tác phẩm, và “vòng tuần hoàn bất tử” ấy là khúc hát vang dội nhất, mạnh mẽ nhất âm vang trong “Cánh đồng mẹ”.

Trước hết là thiên nhiên. Thiên nhiên Kyrgyztan rất hùng vĩ và cũng rất nên thơ. Biểu tượng của thảo nguyên, cánh đồng, ngọn núi, đám mây, chòm sao, cơn gió, cánh hoa…được miêu tả với nhiều sắc thái. “Bình minh đã rực sáng. Những đỉnh núi cao tuyết trắng là những vật đầu tiên nhuốm sắc vàng và gió từ thảo nguyên thổi dốc ngược  dòng sông nước xanh ngăn ngắt […] Cánh chim sơn ca bay bổng lên cao, cao tít tắp, treo lơ lửng trên đầu như một cái chấm và vùng vẫy trên đó, rộn ràng như trái tim con người và trong tiếng hót của nó vang lên niềm hạnh phúc bao la khôn cùng”. Kết thúc tác phẩm, bình minh và cánh chim lại quay về với Tongônai: “Đã lâu rồi con chưa thấy bình minh nào hùng tráng đến thế ở phía trên đỉnh núi. Đã lâu con không nghe tiếng chim sơn ca hót hay đến thế. Nó vỗ cánh bay thẳng lên cao, cao mãi vào bầu trời hừng sáng, treo lơ lửng trên cao như một cái chấm sáng […] Kì diệu thay, đến chú chim sơn ca cũng là của riêng chúng con. Và người bất tử, hỡi chú chim sơn ca của ta. Những biểu tượng được lặp lại, không gian cao rộng, thời gian trải dài và suy tưởng được mở ra vô tận.

“Cánh đồng mẹ” là biểu tượng thứ hai của sự bất tử. Cánh đồng xuất hiện mười sáu lần trong tác phẩm với những danh xưng khác nhau: Đất, Đất mẹ, Mẹ vĩ đại, mẹ yêu thương, Người, Cánh đồng mẹ…thông qua cách gọi của Tongônai. Tongônai xuất hiện ở đầu tác phẩm khi đi thăm cánh đồng sau vụ gặt. Cánh đồng gắn với bao kí ức của bà: lần đầu tiên quen Xuvankun, lần đầu tiên thấy Kaxưm lái máy kéo, nhận tin báo tử của Xuvankun và Kaxưm…Mọi kỉ niệm hạnh phúc nhất và đau thương nhất đều diễn ra ở đây. Đất mẹ là người chứng giám cho những phút giây ấy. Thời gian qua đi, vết thương cũng nguôi ngoai, nhưng những kí ức về nó cứ chờ dịp là lại ùa về không hẹn trước.

Với “Cánh đồng mẹ”, Tongônai có một niềm tôn kính vô vàn. Tongônai tâm sự với cánh đồng như một người con gái tâm sự với mẹ về cuộc đời đầy sóng gió của mình. Tình yêu và sự bất hạnh, hiện tại và quá khứ cùng đan xen tạo nên số phận Tongônai cũng như số phận những người mẹ khác trên đất nước Kyrgyztan anh hùng. Họ đã hiến dâng tuổi trẻ, gia đình cho đất nước, lẽ phải và sự công bằng.

Với mọi hoàn cảnh, những giá trị vĩnh hằng của tình yêu sẽ soi đường để người ta tiếp tục sống, tiếp tục yêu thương và tiếp tục hành trình cuộc đời. Biểu tượng Tongônai là biểu tượng bất tử quan trọng nhất của tác phẩm. Dù chứng kiến những người thân lần lượt ra đi nhưng bà vẫn cố gắng vượt lên nỗi đau, nuôi dạy đứa cháu nên người. Từ một cô gái mười bảy tuổi chưa biết thế nào là chiến tranh, đến một cụ già đã trải nghiệm mọi buồn vui đau khổ trong đời, người mẹ ấy đã sống đủ những tháng năm cần phải sống. Cuộc đời bà được gói gọn trong truyện thông qua những sự kiện lớn của đất nước và gia đình. Sự phát triển biện chứng của vẻ đẹp trong tâm hồn Tongônai chính là sự phản ánh tất yếu mọi mặt của đời sống Xô – viết lúc bấy giờ: Người ta có thể bị mất mát, có thể chịu nhiều hi sinh, gian khổ, nhưng tuyệt đối, con người sẽ không đầu hàng, sẽ khắc phục mọi hoàn cảnh để sống xứng đáng với những gì nhân dân, đất nước và người thân đã trao tặng.

Qua thiên truyện “Cánh đồng mẹ” người đọc càng cảm nhận rõ nét hơn về tài năng nghệ thuật của Aimatov. Với một kết cấu truyện mạch lạc được kể theo lối đồng hiện, những sự kiện trong quá khứ và hiện tại được lồng vào nhau một cách khéo léo, thuyết phục. Điểm nhìn trần thuật được đặt vào Tongônai nên người đọc dễ dàng hình dung và chia sẻ cảm xúc với nhân vật này. Đồng thời, cách khái quát hóa hình tượng “cánh đồng mẹ” cũng tạo những liên hệ sâu xa: Tongônai – quê hương, Tongônai – người mẹ, Tongônai – người phụ nữ của thời đại. Aimatov cũng đặc biệt thành công trong việc sử dụng ngôn từ một cách điêu luyện. Cũng giống như trong “Chuyện núi đồi và thảo nguyên”, nhà văn đã vẽ nên bức tranh đồng quê Kyrgyztan với nét đặc trưng không thể lẫn và khắc họa nên hình ảnh con người Kyrgyztan với những tính cách điển hình nhất, sâu sắc nhất. Aimatov sử dụng rất nhiều tính từ và từ chỉ cảm xúc nhằm cá thể hóa cảnh vật hay con người được nhắc đến. Đặc biệt, những biểu tượng lặp đi lặp lại: Cánh chim, bầu trời, những chòm sao, đóa hoa, con đường, tiếng sơn ca, miếng bánh…đều gợi nhắc đến những tầng ý nghĩa sâu xa của tình yêu, sự sống và số mệnh dân tộc. Và hòa trong cảnh sắc ấy, tình cảm ấy, hình tượng Tongônai càng tỏa sáng và đạt đến giá trị cao đẹp của nó.

Alêchxây Tônxtôi trong “Con đường đau khổ” đã viết: “Tất cả rồi sẽ qua đi, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và chỉ còn lại không phôi pha tấm lòng  em: nhẫn nại, dịu dàng và chan chứa trình yêu thương”. Tongônai là minh chứng sáng rõ của hình tượng “Người mẹ” trong văn học Xô – viết. Đó là những tượng đài tỏa sáng, mạnh mẽ và trường tồn mãi với thời gian, với lịch sử văn học. Biểu tượng “Cánh đồng mẹ” cũng chính là cách mà tác giả “hình tượng hóa” vẻ đẹp của của Tongônai nói riêng  và người phụ nữ nói chung. Có lẽ, trái tim vĩ đại của hàng triệu triệu người mẹ Xô – viết đã giúp Aimatov có được cảm hứng bất tận để viết nên tác phẩm đầy xúc động nhưng cũng rất hào hùng: “CÁNH ĐỒNG MẸ”.

Ảnh

TP. Hồ Chí Minh, 29/10/2010

Thi Thơ

Môn: Văn học Nga

Giảng viên: PGS. TS Phạm Thị Phương (Khoa Ngữ Văn – ĐH Sư phạm TP. HCM)