Diễn biến lý luận văn học phương Tây thế kỉ XX

Standard

Đồng Khánh Bính

Lí luận văn học phương Tây từ Platon, Aristote đến thế kỉ XIX, đã trải qua quá trình kéo dài trên hai nghìn năm. Xét về quan niệm văn học, thuyết “mô phỏng” đã ngự trị suốt hai nghìn năm, mãi đến đầu thế kỉ XIX, thuyết “biểu hiện” mới được đưa ra và xác lập địa vị của mình. Luồng mạch chung của lí luận văn học phương Tây trước thế kỉ XX khá rõ ràng, điều này đã được trình bày tường tận trong nhiều tài liệu và chuyên luận. Do đó ở đây lược đi không bàn đến.

Ở phương Tây, thế kỉ XX được gọi là “thế kỉ của phê bình”, lí luận văn học xuất hiện tình trạng cực kì phức tạp rối rắm, nhiều loại âm thanh, nhiều hướng đi, nhiều loại quan niệm giá trị, nhiều loại khởi điểm lôgic. Xét tổng thể, chúng vẫn bị giới hạn bởi thế giới quan của giai cấp tư sản, do đó chứa đầy quan điểm phi lịch sử, phi lí tính, hình thức chủ nghĩa, duy mĩ chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa, tạo nên sự thách thức đối với lí luận văn học mácxít. Song xét cục bộ, lí luận văn học phương Tây thế kỉ XX trong hàng loạt vấn đề như lí luận tác giả, lí luận tác phẩm, lí luận độc giả, lí luận văn hóa… đều có những khám phá chiều sâu và phát hiện mới. Chúng ta sống trong thế kỉ XX, trong quá trình học tập lí luận văn học lại nhắm mắt làm ngơ, tự khép kín mình, hoàn toàn không để ý đến sự phát triển của lí luận văn học phương Tây thế kỉ XX là điều không thể. Chúng ta cần phải và có thể như thái độ của Marx, Engels năm xưa khi sáng lập chủ nghĩa Marx, lấy lí luận văn học phương Tây thế kỉ XX làm điểm tham chiếu, hoặc coi đó là một loại dưỡng chất cần hấp thu để chúng ta hôm nay xây dựng nền lí luận văn học mácxít mang đặc sắc Trung Quốc. Đương nhiên, việc tham chiếu và hấp thu mà chúng ta vừa nói đến, không phải loại rập khuôn bệ nguyên xi, mà là sự vay mượn vận dụng có phê phán. Để đạt được mục đích đó, chúng ta phải bằng mọi cách thực sự khách quan làm rõ những quan điểm tư tưởng, hệ thống lí luận của các loại trường phái lí luận văn học, trên cơ sở đó tiến hành phê phán mới có thể nhằm trúng đích, khiến mọi người tin phục; trên cơ sở đó vay mượn vận dụng mới có thể hấp thu được tinh hoa và loại bỏ được cặn bã.

BƯỚC CHUYỂN HƯỚNG LÍ LUẬN CỦA LÍ LUẬN VĂN HỌC PHƯƠNG TÂY THẾ KỈ XX

Thế kỉ XX là thế kỉ lí luận văn học phương Tây thành thục và phồn vinh. Tuy từ Platon trở đi, hầu hết các nhà tư tưởng đều bàn đến vấn đề văn nghệ, và đã nêu ra nhiều sáng kiến đến nay vẫn có giá trị; thế nhưng lí luận văn học với tư cách một ngành khoa học độc lập, sự phát triển trước thế kỉ XX vẫn rất chậm chạp. Trong lịch sử kéo dài gần hai nghìn năm, lí luận văn học hoặc là phụ thuộc vào triết học, hoặc là phụ thuộc vào sáng tác văn học. Cục diện bất hạnh đó trong thế kỉ XX đã được thay đổi triệt để. Trước tiên là phong trào chủ nghĩa hiện đại đã giới định lại đối tượng của phê bình văn học. Việc hô hào chú trọng hình thức, việc nhấn mạnh đối với văn bản, rồi sau đó được phê bình mới đang nổi phát huy cao độ. Một loạt các nhà phê bình mới ưu tú chiếm cứ các giảng đường đại học, một trong những công tích của họ là đã giải thoát phê bình văn học khỏi trạng thái phụ thuộc từ xưa đến nay. Những năm 1960 được coi là thời khắc khởi phát hừng hực khí thế của lí luận, khi đó không chỉ lí luận văn học thực sự hội đủ hình thái lí luận, mà nhiều nhà tư tưởng, chẳng hạn Derrida và Barthes của Pháp, ban đầu được thế giới biết đến với tư cách nhà lí luận văn học. Có lẽ là do văn học và ngôn ngữ học có mối liên hệ cực kì mật thiết, văn học với tư cách là một hình thức ngôn từ có tác dụng rất lớn trong việc cấu thành phương thức tồn tại xã hội của nhân loại, do đó lí luận văn học đương thời đã có bước nhảy vọt, trở thành một trong những ngành đi đầu trong khoa học xã hội.

Việc trình bày lí luận văn học phương Tây thế kỉ XX có thể có nhiều loại mô thức, phương pháp phổ biến nhất là trình bày quá trình biến động trong sự phát triển của lí luận văn học phương Tây, chỉ ra mối liên hệ nội tại giữa các giai đoạn. Một số nhà lí luận đã chỉ rõ, trong sáng tác văn học và lí luận phê bình văn học chủ nghĩa hiện đại có thế phát hiện các nhân tố lí luận của chủ nghĩa hậu hiện đại, phương pháp truy tìm về ngọn nguồn và nhấn mạnh tính liên tục này chủ yếu tiếp nhận từ truyền thống chủ nghĩa lịch sử của Hegel. Lịch sử được xem như một chuỗi mắt xích liên tục phát triển và hoàn thiện, các mắt xích xâu chuỗi vào nhau. Thế nhưng trong thời đại mà các loại lí luận trăm nhà đua tiếng như hiện nay, chúng ta còn có những lựa chọn khác, những góc độ khác để có thể bổ sung và mở rộng tầm nhìn của chúng ta. Chương này đồng thời với việc trình bày những biến động trong sự phát triển của lí luận văn học phương Tây, còn nhấn mạnh sự đứt đoạn giữa các giai đoạn, chỉ rõ sự khác biệt và bất đồng về xuất phát điểm cơ bản của các loại lí luận. Phương pháp này hoàn toàn ăn nhập với việc nhấn mạnh tư tưởng lịch sử phi liên tục tính hiện nay.

Chương này chia các trường phái lí luận văn học phương Tây thế kỉ XX thành ba nhóm. Nhóm một là lí luận văn học chủ nghĩa nhân văn, bao gồm phê bình văn học chủ nghĩa hiện đại, phê bình mới, phê bình thần thoại, mĩ học tượng trưng. Những lí luận này chủ yếu lưu hành từ đầu thế kỉ XX đến những năm 50 của thế kỉ XX. Đặc điểm chung của chúng là trên cơ sở kế thừa khái niệm về “con người” của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa biểu hiện thế kỉ XIX, hấp thu tinh thần chủ nghĩa khoa học đang lưu hành, trở thành loại chủ nghĩa nhân văn hiện đại nhấn mạnh khách thể. Nhóm thứ hai là lí luận văn học chủ nghĩa khoa học, bao gồm chủ nghĩa hình thức Nga và chủ nghĩa cấu trúc. Chủ nghĩa hình thức Nga ra đời vào những năm 20 thế kỉ XX, song ảnh hưởng thực sự của nó tại Âu Mỹ lại từ sau những năm 50 thế kỉ XX. Người đầu tiên giới thiệu chủ nghĩa hình thức Nga vào châu Âu là nhà chủ nghĩa cấu trúc Pháp Todorov, còn thế giới Anh ngữ biết đến chủ nghĩa hình thức Nga chủ yếu thông qua cuốn sách Chủ nghĩa hình thức Nga: lịch sử và lí luận 1955 (1955) của Wei ke duo. Eliqi (dịch âm tiếng Trung Quốc). Do đó dù xét về mặt thời gian hay xét về thực chất tinh thần, chủ nghĩa hình thức Nga đều có thể được xem là lí luận văn học cùng với chủ nghĩa cấu trúc phát triển rầm rộ vào những năm 50, 60 thế kỉ XX. Nhược điểm của nhóm lí luận văn học này là chủ nghĩa khoa học thuần túy, bài xích toàn bộ những giả thiết lí luận coi con người và chủ thể là xuất phát điểm. Nhóm thứ ba là lí luận văn học đương đại, bao gồm chủ nghĩa hậu cấu trúc văn bản của Derrida và Barthes, phân tích tâm lí hiện đại của Lacan, chủ nghĩa Marx cấu trúc của Altusser, Foucault và chủ nghĩa tân lịch sử, bộ phận phê bình văn học chủ nghĩa nữ quyền, lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại và lí luận chủ nghĩa hậu thực dân. Nhóm lí luận này chủ yếu phát triển rầm rộ vào những năm 70, 80 thế kỉ XX, nhìn chung mọi người coi phong trào học sinh Pháp năm 1968 là khởi điểm của lí luận văn học đương đại. Lí luận văn học đương đại không chỉ ném bỏ giả thiết chủ nghĩa nhân văn truyền thống, coi con người là xuất phát điểm có từ thời văn nghệ phục hưng, phủ nhận sự tồn tại của chủ thể với tư cách là thực thể tiên nghiệm; đồng thời cũng ném bỏ luôn giả thiết chủ nghĩa khoa học coi khách thể là xuất phát điểm, có được từ thời cận đại do sự hưng khởi của khoa học tự nhiên, phủ nhận sự tồn tại của khách thể với tư cách là thực thể tiên nghiệm, khiến cho mô thức tư duy của lí luận văn học đương đại nảy sinh những chuyển biến cơ bản.

Tương ứng với ba nhóm lí luận văn học đó là ba lần chuyển hướng của lí luận văn học. Xét về mặt lịch sử tư tưởng, các loại hệ thống tư tưởng đều có những giả thiết sớm nhất của mình, đó chính là xuất phát điểm lí luận. Những mệnh đề cơ bản này được xem như một loại thường thức, được nhiều người tiếp nhận nên tránh được sự kiểm nghiệm của lí luận. Các kiểu thay đổi về mặt lịch sử tư tưởng thường lại chính là những thay đổi của loại xuất phát điểm này, mệnh đề cũ gặp phải sự hoài nghi và thách thức của lí luận, mệnh đề mới liền mở ra mô thức tư duy mới và lĩnh vực nghiên cứu mới.

1. Bước chuyển từ chủ thể sang khách thể

Một xuất phát điểm cơ bản của chủ nghĩa nhân văn truyền thống chính là quan niệm về con người viết hoa. Cá tính có trước tính xã hội, con người thay thế Thượng đế trở thành trung tâm của vũ trụ. Hình thức biểu hiện triết học của quan niệm này chính là triết học chủ thể của Descartes và Kant, một số tác giả phương Tây gọi đó là triết học về “cái tôi”. Triết học về “cái tôi” của Descartes được xây dựng trên một mệnh đề cơ bản, tức “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”. Chủ thể đang tư duy trở thành điểm xuất phát của lí luận này. Còn triết học Kant lại có đặc điểm chủ khách thể thống nhất. Song loại thống nhất này vẫn được kiến lập trên chủ thể tiên nghiệm, Kant gọi đó là tự ngã tiên nghiệm. Loại tự ngã tiên nghiệm này khi nhận thức sự vật khách quan có tính năng động và tính sáng tạo. Các phạm trù thời gian, không gian… là thuộc tính của chủ thể tiên nghiệm, nhận thức thế giới do đó mà trở thành khả năng.

Trong bối cảnh như vậy, điều mà sáng tác văn học và phê bình văn học trước thế kỉ XX nhấn mạnh là tác giả, tình cảm của tác giả và kinh nghiệm sống của tác giả, trong tác phẩm văn học không thiếu các nhân vật anh hùng cao cả và những thể nghiệm tình cảm tinh tế. Còn trong phê bình văn học lại chứa đầy những khái niệm liên quan mật thiết với chủ thể sáng tác, chẳng hạn “thiên tài”, “tưởng tượng”, “sáng tạo”, “biểu hiện”… Phong trào chủ nghĩa hiện đại đầu thế kỉ XX đã khiến cho diện mạo của sáng tác văn học và phê bình văn học nảy sinh những thay đổi lớn lao. Thơ ca đã mất đi hình thức biểu hiện tình cảm ấm áp kiểu Hua ci hua si (dịch âm Trung Quốc). Ngôn ngữ thi ca hiện đại trở nên cực kì tối nghĩa, khô cứng, thiếu hẳn tính nhất quán, bị Eliot coi là thứ “thơ khó hiểu”. Ngoài ra, trong tiểu thuyết và thơ tự sự lại xuất hiện các tiểu nhân vật phi anh hùng hóa, chẳng hạn Ulysse của Joyce, con bọ của Kapka, Prufrock của Eliot… Các nhân vật này hành vi ti tiện, hình tượng nhỏ nhoi, thiếu khí phách anh hùng. Con người viết hoa của thời đại lãng mạn đã biến thành con người viết thường, con người phổ thông. Điều đó báo trước bước chuyển hướng lí luận thứ nhất của thế kỉ XX. Bước chuyển hướng này có thể khái quát thành sự chuyển đổi từ chủ thể sang khách thể.

Sự chuyển đổi này trước tiên là chuyển đổi của xuất phát điểm lí luận. Chủ nghĩa hiện đại đã hoài nghi xuất phát điểm của chủ nghĩa nhân văn truyền thống. “Ta là ai”, “Ta đang ở đâu”, những vấn đề luôn được các nhà văn phái hiện đại nêu ra này cho thấy tính xác định của tự ngã đã gặp phải sự hoài nghi phổ biến. Mọi người phát hiện ra rằng “con người” lại không lí tính, xác định và độc lập tự túc như Descartes và Kant đã trình bày. Phát hiện về vô thức của Freud chính là ví dụ về tự ngã phi lí tính. Người hiện đại trong điều kiện chủ nghĩa tư bản phải sống trong trạng thái khốn quẫn đánh mất tự ngã, sống trong trạng thái lo âu tìm kiếm tự ngã, họ cần có một điểm tựa mới, kết quả của nó chính là việc nhấn mạnh đến tính xã hội của con người, đến quy phạm và trật tự.

Trong lí luận văn học thuộc nhóm một, đại đa số lí luận đã phản ánh loại chuyển hướng này. Với Eliot, truyền thống với tư cách là kết cấu tri thức đã thay thế thiên tài cá nhân; Với S.Langer, tình cảm nhân loại đã thay thế tình cảm cá nhân; Các nhà phê bình mới tiếp nhận cách nêu vấn đề của Eliot nhấn mạnh “tâm linh của người châu Âu”; còn N.Frye lại lấy tâm linh nguyên thủy của nhân loại làm cơ sở lí luận. Trong phê bình văn học cụ thể, địa vị của tác giả và các nhân tố chủ quan khác bị hạ thấp một cách phổ biến, còn các nhân tố khách quan như văn bản, hình thức, kết cấu… lại được đề cao toàn diện. Hình thức và cấu trúc được xem như sợi dây nối liền cá nhân với nhân loại, tình cảm cá nhân chỉ khi nào hòa nhập vào cấu trúc tình cảm nhân loại phổ biến mới có ý nghĩa. Kết quả mà việc cấu trúc hóa đem lại là phổ biến hóa, tập thể hóa. Do đó, hình thức văn bản một thời đã trở thành khái niệm trung tâm của phê bình văn học.

2. Những biến động do ngôn ngữ học chủ nghĩa cấu trúc mang lại

Thế nhưng sau lần chuyển hướng lí luận này, phê bình văn học vẫn bảo lưu cơ sở chủ nghĩa nhân văn. Chỉ có điều nó sau khi đồng hóa tinh thần chủ nghĩa khoa học đã trở thành hình thức lí luận hiện đại của chủ nghĩa nhân văn. Chủ nghĩa nhân văn dưới tấm áo khoác khoa học vẫn tồn tại ngoan cường, nó chỉ thực sự tiêu vong sau khi chủ nghĩa cấu trúc hưng khởi. Ngôn ngữ học chủ nghĩa cấu trúc đã dẫn đến bước chuyển hướng lí luận lần thứ hai của lí luận văn học phương Tây thế kỉ XX. Chủ nghĩa khoa học thuần túy sau khi bén rễ trong lí luận văn học, đã triệt để bài trừ loại lí luận lấy khái niệm con người làm cơ sở. Khái niệm cấu trúc của chủ nghĩa cấu trúc có sự khác biệt cơ bản với khái niệm cấu trúc trong phê bình mới, chủ nghĩa tượng trưng Langer, phê bình thần thoại N.Frye và lí luận Gestalt. Khái niệm cấu trúc của cái trước lấy kí hiệu làm cơ sở, mối quan hệ giữa kí hiệu với sự vật được coi là võ đoán, hoàn toàn không phải mối quan hệ đối ứng về cấu trúc hoặc hình thức. Cũng có nghĩa là, kí hiệu chỉ có thể đại biểu cho một loại sự vật nào đó chứ không thể biểu hiện một loại sự vật nào đó. Còn khái niệm cấu trúc của cái sau lại lấy tượng trưng và biểu hiện làm cơ sở, giữa kí hiệu và sự vật mà kí hiệu đó biểu hiện có loại quan hệ đối ứng nào đó, song là loại tổ hợp phi võ đoán, chẳng hạn một loại cấu trúc hình thức đặc định nào đó có thể biểu hiện một loại tình cảm nào đó hoặc kinh nghiệm nhân loại. Saussure khi bàn về tính võ đoán của ngôn ngữ đã đặc biệt tách hai loại khái niệm cấu trúc này, ông cho rằng, “từng có người dùng từ tượng trưng để chỉ kí hiệu ngôn ngữ, hoặc nói một cách xác thực hơn, để chỉ những điều mà chúng tôi gọi là cái biểu đạt. Chúng tôi không tiện tiếp nhận từ này, vì nó vừa vặn khớp với nguyên tắc đầu tiên của chúng tôi (tính võ đoán của kí hiệu – tác giả chú). Đặc điểm của tượng trưng là: nó chẳng bao giờ là hoàn toàn võ đoán; nó không phải là sự trống rỗng, giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, nó có một chút cơ sở của mối liên hệ tự nhiên. Cân tiểu li tượng trưng cho pháp luật, nên không thể tùy tiện dùng bất cứ thứ gì, chẳng hạn một chiếc xe, để thay thế(2). Chính loại đặc điểm “võ đoán”, “trống rỗng”, phi tượng trưng tính đó của khái niệm cấu trúc trong chủ nghĩa cấu trúc đã khiến cho chủ nghĩa cấu trúc có thể bứt tách triệt để khỏi chủ nghĩa nhân văn. Tình cảm, kinh nghiệm, hiện thực đều bị loại trừ bởi một loại cấu trúc có mặt ở mọi nơi, “con người” cũng mất tiêu trong cấu trúc.

Nếu đứng ở độ cao của hôm nay để thẩm xét lại lý luận chủ nghĩa cấu trúc, chúng ta sẽ thấy nó đã thành công trong việc phủ định chủ nghĩa nhân văn, song những gì mà nó kiến tạo nên lại khiến người ta hoài nghi. Quan điểm cấu trúc với tư cách một tồn tại tiên nghiệm khách quan thuần túy đã gặp phải sự phê phán từ nhiều phương diện. Chủ nghĩa cấu trúc nhấn mạnh mối quan hệ giữa các nguyên tố trong nội bộ cấu trúc, song lại xem nhẹ mối quan hệ giữa cấu trúc với sự vật bên ngoài, một sự thực giản đơn là: ngoài cấu trúc còn có cấu trúc lớn hơn. Chẳng hạn khi chúng ta khảo sát tác phẩm văn học, ý nghĩa lại không đơn thuần nảy sinh ở cấu trúc của văn bản, khi đặt văn bản vào trong seri tác phẩm của tác giả, diện mạo văn bản và ý nghĩa của nó tất sẽ nảy sinh những thay đổi, còn khi đặt nó trong bối cảnh toàn bộ xã hội và hình thái ý thức, ý nghĩa của nó cũng lại có những thay đổi. Ở đây đã nảy sinh một vấn đề: trước khi cấu trúc trở thành cấu trúc, khách thể trở thành khách thể, phải chăng chúng đã không bị quyết định bởi các nhân tố ngoại tại khác?

3. Những biến động của chủ nghĩa phản nhân văn và chủ nghĩa phản khoa học

Ở đây chúng tôi sẽ đề cập đến bước chuyển hướng lí luận lần thứ ba của lí luận văn học phương Tây thế kỉ XX: tức sự vượt thoát đối với cơ sở lí luận của chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa khoa học. Ý nghĩa lí luận của lần chuyển hướng này là vô cùng quan trọng: Một, lí luận văn học phương Tây đã từ giai đoạn hiện đại bước vào giai đoạn đương đại; hai, mô thức tư duy của lí luận đã nảy sinh những thay đổi.

Chúng ta có thể dùng lối so sánh hai tầng kiến trúc để làm rõ bước chuyển biến này. Trong nghiên cứu lí luận văn học, mô thức tư duy truyền thống coi tư tưởng, tình cảm, kinh nghiệm, vô thức và hiện thực xã hội là tầng kiến trúc thứ nhất, coi ngôn ngữ, văn bản, văn hóa là tầng kiến trúc thứ hai, tầng kiến trúc thứ nhất quyết định tầng kiến trúc thứ hai, tầng kiến trúc thứ hai chỉ khi nào phù hợp hoặc phản ánh tầng kiến trúc thứ nhất mới đạt kết quả, mới chính xác. Trong lí luận văn học phương Tây, chủ thể và khách thể đều từng bị xem là tầng kiến trúc thứ nhất, quyết định việc tạo dựng bất cứ thứ gì lên chúng. Loại mô thức này đã được xem là thường thức và chân lí hiển nhiên, cần phải tiếp nhận. Tuy nhiên loại mô thức hai tầng kiến trúc này lại có thể biến thành các hình thức khác nhau, chẳng hạn trong lí luận văn học hiện đại, tầng kiến trúc thứ nhất đã từ chủ thể biến thành khách thể; song rất ít người tỏ ra hoài nghi bản thân mô thức này.

Các loại lí luận thuộc nhóm lí luận văn học thứ ba đã làm đảo lộn mô thức tư duy truyền thống này, từ nhiều góc độ khác nhau chỉ rõ cái mà chúng ta thường quen xem là tầng kiến trúc thứ hai, trên thực tế lại có trước tầng kiến trúc thứ nhất. Văn hóa lại không nương tựa vào tự nhiên, xã hội cũng không phải được xây dựng trên bản chất của con người. Sự thực hoàn toàn ngược lại, bản thân quan niệm về tự nhiên và quan niệm về con người là một bộ phận hợp thành của văn hóa, điều này đến thời cận đại mới xuất hiện và ngày càng phát triển. Cuộc cách mạng lí luận được gọi là kiểu Copernicus này đã khiến cho cả chủ thể lẫn khách thể mất đi đặc tính quyết định kẻ khác, trở thành vật cấu thành của kẻ khác. Kẻ khác chính là cái chỉ tồn tại bên ngoài chủ thể và khách thể. Trong lí luận của Lacan, kẻ khác có trước chủ thể. Trong giai đoạn hình bóng trong gương của đứa trẻ, hình tượng trong gương khiến cho đứa trẻ có được kinh nghiệm và ấn tượng đầu tiên về mình (tự ngã), tự ngã bắt đầu được tạo nên bởi kẻ khác, bởi đối tượng. Trong giai đoạn Oeudipe đứa trẻ ra sức đánh đồng mình với hình tượng của cha mẹ. Trong giai đoạn ngôn ngữ, đứa trẻ chỉ khi nào nhập vào các loại quan hệ được quy định bởi trật tự ngôn ngữ, nhập vào màng lưới quan hệ giới tính cha mẹ con trai con gái, mới có thể trở thành một thành viên gia đình, sau đó mới trở thành một thành viên của xã hội. Như vậy anh ta mới trở thành một chủ thể. Althusser lại trên bối cảnh rộng lớn hơn để phát triển lí luận cấu thành chủ thể của Lacan, ông cho rằng, hình thái ý thức có trước chủ thể. Hình thái ý thức đã mang đến cho con người đủ loại “vị trí” chủ thể, con người chỉ còn cách gia nhập vào một loại vị trí nào đó, đóng một vai đặc định nào đó, mới trở thành thành viên xã hội, trở thành con người được một hệ thống giá trị nào đó thừa nhận, tức trở thành chủ thể. Trong những lí luận này, cơ sở mà chủ nghĩa nhân văn từng nương tựa vào – khái niệm chủ thể tiên nghiệm đã bị sụp đổ trước cơn va đập mãnh liệt của lí luận cấu thành (cấu tạo luận).

Điều có ý nghĩa hơn là, các lí luận đương đại khác cũng đã xóa bỏ hoàn toàn cơ sở của chủ nghĩa khoa học – khách thể tiên nghiệm. Chủ nghĩa hậu cấu trúc văn bản cho rằng, cấu trúc tuyệt nhiên không phải là một thực thể độc lập tự túc, mà là một quá trình phát triển biến hóa khôn lường. Văn bản văn học là một văn bản mở, chứ không phải nó được hoàn thành bởi bàn tay tác giả, nó cũng không phải là một khách thể cố định để các nhà cấu trúc chủ nghĩa phân tích cấu trúc ý nghĩa của nó. Bản thân việc phân tích và duyệt đọc này cũng là sự tiếp tục của sáng tác, là một khâu trong quá trình hình thành khách thể này. Còn Foucault lại xuất phát từ góc độ lịch sử, thông qua những nghiên cứu về tình dục, bệnh nhân điên, giám ngục và phạm nhân để luận chứng những thay đổi của khách thể trong các thời đại khác nhau. Khách thể trước khi trở thành khách thể, đã được quyết định bởi “cấu trúc tri thức” của một thời đại nào đó. Tính khách quan của khách thể, tính chân lí của tri thức đều là sản phẩm của lịch sử.

Tính vật chất và tác dụng năng động của văn hóa sẽ được chứng minh rõ trong ngôn ngữ học quảng cáo đương đại. Hiện giờ mọi người đã nhận ra rằng, quảng cáo không đơn thuần là sự phản ánh của một loại sự vật nào đó. Quảng cáo có tác dụng tạo ra sự năng động cực kì hữu hiệu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của con người. Những thay đổi của mọi người về nhận thức quảng cáo, chính là kết quả của sự chuyển biến mô thức tư duy “hai tầng kiến trúc”.

Trong mô thức tư duy cũ, chúng ta thường cho rằng quảng cáo là sự thuyết minh sản phẩm và phản ánh nhu cầu cuộc sống và những ham muốn của con người. Chúng ta quá đỗi tự nhiên cho rằng, chúng ta có một loại nhu cầu cuộc sống nào đó, nó chiếm vị trí hàng đầu, sau đó căn cứ vào những nhu cầu đó sản xuất ra sản phẩm, và quảng cáo đã thỏa mãn nhu cầu đó. Do đó nhu cầu cuộc sống là rất tự nhiên, rất cơ bản, là tầng kiến trúc thứ nhất; sản phẩm và quảng cáo đứng ở vị trí thứ hai, là phản ánh, là tầng kiến trúc thứ hai, nhu cầu cuộc sống quyết định sản phẩm và quảng cáo. Thế nhưng xét vấn đề này từ mô thức tư duy mới, kết luận lại hoàn toàn ngược lại. Ngôn ngữ học quảng cáo đương đại cho rằng, chính sản phẩm và thiết kế quảng cáo đã kích thích việc sản sinh các nhu cầu của con người tiêu dùng. Bởi lẽ bản thân chúng ta về cơ bản đã không tồn tại cái gọi là loại nhu cầu “tự nhiên” và “sinh lý”. Bất kỳ nhu cầu nào đều được tạo ra bởi sự vật bên ngoài, do đó nó cũng chính là cái mang tính xã hội.

Althusser trong bài viết nổi tiếng của mình: Hình thái ý thức và cơ cấu hình thái ý thức của quốc gia đã phát triển khái niệm về tái sản xuất của Marx, nêu rõ nhu cầu của con người lại không phải là tính sinh vật, mà là tính văn hóa và tính lịch sử. Mức lương thấp nhất mà xã hội tư bản duy trì sức lao động để tái sản xuất lại không được quyết định bởi nhu cầu sinh lí của công nhân, mà được quyết định bởi các loại nhân tố văn hóa trong lịch sử. Cũng có nghĩa là, cái mà đồng lương của công nhân duy trì không phải là đời sống vật chất ở mức thấp nhất, mà là đời sống tinh thần ở mức thấp nhất; không những phải kéo dài mạng sống của họ, mà còn phải làm cho cuộc sống của họ chịu đựng được. Althusser còn viện dẫn các ví dụ của Marx, cho hay giai cấp công nhân Anh có nhu cầu bia, giai cấp công nhân Pháp có nhu cầu rượu nho, điều đó chứng tỏ nhu cầu của nhân loại đã pha trộn cả các nhân tố văn hóa và nhân tố xã hội, chứ không đơn thuần là tính sinh vật. Trên thực tế, tiêu dùng vật chất của nhân loại hoàn toàn là loại tiêu dùng tinh thần và tiêu dùng văn hóa. Bản thân nhu cầu của nhân loại đã thể hiện một loại văn hóa nào đó.

Do đó, tuyệt nhiên không phải quảng cáo cần được giải thích bởi nhu cầu nhân loại, mà là những nhu cầu khác nhau của các thời kì lịch sử nhân loại phải dùng các sự vật ngoài nó để thuyết minh. Quảng cáo chính là một trong các sự vật ngoại tại đó. Bà Willamson trong cuốn sách kinh điển về nghiên cứu quảng cáo: Giải thích quảng cáo đã chỉ rõ, quảng cáo đóng một vai vô cùng tích cực trong đời  sống nhân loại. Quảng cáo không chỉ kích thích và sáng tạo nhu cầu tiêu dùng của con người, điều quan trọng hơn là, quảng cáo và tiêu dùng trong một ý nghĩa nào đó đã xác định thân phận của con người, xác định sự tồn tại của con người, xác định bản thân con người. Phương thức mà con người dựa vào để xác định mình chính là cầu đồng với sự vật bên ngoài (ngoại tại). Do đó trên thực tế những sự vật ngoại tại này đã quy định tính chất của chúng ta. Một hiện tượng thường thấy trong xã hội phương Tây là, con người được phân định đẳng cấp qua đối tượng tiêu dùng của mình; và rồi chính con người lại bị quảng cáo tạo ra dục vọng tiêu dùng. Do đó quảng cáo đối với sự tồn tại và tính chất của con người đã có tác dụng quyết định cực kì rõ rệt.

Ảnh hưởng của lần chuyển hướng lí luận thứ ba đối với phương Tây rất sâu xa. Có thể nói, các trường phái lí luận văn học đương đại về cơ bản đều phát triển theo phương hướng này. Với điểm xuất phát mới này, chúng ta có thể vận dụng lại các khái niệm thuộc phạm trù lịch sử xã hội vào các nghiên cứu văn học. Các khái niệm như hình thái ý thức, quyền lực, vô thức học.  Các khái niệm như hình thái ý thức, quyền lực, vô thức chính trị… lại trở thành điểm nóng trong các loại lí luận đương đại. Lí luận văn học phương Tây thế kỉ XX trong khoảng thời gian hơn 20 năm sau cuối thập niên 60, thành quả nghiên cứu văn học từ góc độ lịch sử  xã hội liên tục xuất hiện. Trong thế giới Anh ngữ, thập kỉ đầu tiên chủ yếu là xây dựng lí luận và giới thiệu du nhập lí luận của châu Âu. Chẳng hạn các cuốn Phê bình văn học và hình thái ý thức (1976) của Yugeerdun (dịch âm Trung Quốc), Ngôn ngữ và chủ nghĩa duy vật: Sự phát triển của lí luận chủ thể trong kí hiệu học (1977) của Kaswude và Yilisi (dịch âm Trung Quốc), Thực tiễn phê bình (1980) của Beiersi (dịch âm Trung Quốc) và các chuyên luận của trường phái Yale những người đi theo Derrida tại Mỹ đều là những chuyên luận đặt nền móng lí luận. Đến thập kỉ thứ hai, trong các nghiên cứu văn học Anh ngữ đã dấy lên làn sóng ứng dụng lí luận. Một loạt các nhà phê bình mang tư tưởng chủ nghĩa hậu cấu trúc đã bắt đầu các công trình lớn đọc lại lịch sử văn học Anh ngữ. Ailman dùng lí luận của Lacan nghiên cứu Eliot và Pound, viết nên cuốn Thi học phi cá nhân hóa (1987) gây tiếng vang lớn. Beierxi (dịch âm Trung Quốc) vận dụng lí luận chủ thể của chủ nghĩa hậu cấu trúc nghiên cứu kịch thế kỉ XVI, XVII, xuất bản cuốn Chủ thể bi kịch (1985). Nhà phê bình chủ nghĩa lịch sử mới Delimo (dịch âm Trung Quốc) đã kết hợp với lí luận của Foucault để nghiên cứu Shakespeare, khiến cho ngành Shakespeare học cổ xưa bừng lên sức sống mới. Làn sóng ứng dụng này đến nay vẫn đang tiếp tục.

Sau khi trình bày vắn tắt luồng mạch tư tưởng của lí luận văn học phương Tây thế kỉ XX, có hai điểm cần chỉ rõ. Lần chuyển hướng lí luận thứ nhất và thứ ba đã lật đổ mô thức tư duy hai tầng kiền trúc truyền thống, nhấn mạnh tính vật chất và tác dụng cấu thành của văn hóa, song điều đó không có nghĩa là lại xây dựng lại hai tầng kiến trúc mới lấy văn hóa làm cơ sở. Các loại lí luận đương đại đã không thể dùng loại so sánh mang tính không gian cũ đó để khái quát. Một cống hiến lí luận quan trọng của chủ nghĩa hậu cấu trúc chính là đã đưa vào quan niệm thời gian, khái niệm nổi tiếng của Derrida “sự khác biệt của việc trì hoãn” là một ví dụ. Perrida cho rằng, sự khác biệt giữa các nguyên tố trong cấu trúc mà các nhà chủ nghĩa cấu trúc từng nói lại không hề cố định, mà là một quá trình phát triển. Tuy ý nghĩa của kí hiệu được sinh ra bởi sự khác biệt giữa các kí hiệu, song là một sự khác biệt báo trước một sự khác biệt khác, một kí hiệu có thể liên hệ ngầm với vô số kí hiệu khác để hình thành một chuỗi mắt xích mang tính thời gian. Ý nghĩa liên tục sinh thành, điểm kết thúc luôn bị trì hoãn, mọi người không sao tìm ra điểm mút của chuỗi mắt xích ý nghĩa này. Do đó sự khác biệt không chỉ là sự khu biệt giữa hai nguyên tố về mặt ý nghĩa không gian, mà còn là quá trình biến hóa sống động về mặt ý nghĩa thời gian. Quan niệm thời gian của chủ nghĩa hậu cấu trúc không những có thể giúp chúng ta có được một cách hiểu hoàn toàn mới về văn bản, mà còn khiến cho loại so sánh hai tầng kiến trúc lộ rõ tính giới hạn của mình. Sau khi yếu tố “tự nhiên” xâm nhập vào văn hóa và trở thành một bộ phận của văn hóa, trên thực tế nó đã nằm cùng một tầng với văn hóa, nằm trong dòng sông dài của sự phát triển lịch sử.

Lần chuyển hướng lí luận thứ hai, thứ ba tuy có thể tìm ra trật tự trước sau qua biên niên sử, song trọng điểm của chương này là nhấn mạnh sự khác nhau về xuất phát của lí luận này. Mô thức dẫn đến chủ nghĩa lịch sử cũ về sự thay thế tinh thần thời đại kiểu Hegel cho rằng, mỗi giai đoạn lịch sử nào đó có một loại tinh thần thời đại thống nhất, quan điểm này đã bị hoài nghi, và bị quan điểm nhiều loại tư tưởng cùng tồn tại thay thế. Trong mắt các học giả phương Tây, lịch sử của từng giai đoạn đã không bị xem như từng thực thể thống nhất. Không có loại lịch sử “nhất nguyên”, chỉ có loại lịch sử “mâu thuẫn”, không tồn tại loại tinh thần thời đại thế kỉ XX thống nhất, chỉ có thế giới quan đa cực cùng tồn tại. Quan điểm này biểu hiện rõ trong lí luận văn học phương Tây thế kỉ XX. Tư tưởng chủ nghĩa khoa học có thể truy ngược về chủ nghĩa thực chứng cũ của Comte, Taine và chủ nghĩa thực chứng mới của Wittgenstein. Tư tưởng chủ nghĩa nhân văn tiến tới làm nổi bật những chuyển biến về hệ thống lí luận và cấu trúc tri thức

                                                                            Trần Minh Sơn dịch

________________

(1) Lí luận văn học phương Tây thế kỉ XX đã tiến những bước dài vững chắc. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi thế kỉ XX là “Thế kỉ của phê bình”. Thế nhưng, cũng chưa  khi nào như thế kỉ XX, lí luận văn học phương Tây xuất hiện nhiều vấn đề gây tranh luận đến thế. Chúng tôi xin trích dịch Tiết 1 của chương 2, phần 2 trong cuốn Văn học lý luận yếu lược do GS. Đồng Khánh Bính chủ biên (Bản tiếng Việt sẽ được xuất bản trong thời gian gần đây), xem như một kiểu “ứng xử” của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc, để bạn đọc tham khảo.

(2) Saussre: Giáo trình ngôn ngữ học phổ thông, Thương vụ ấn thư quán, bản năm 1980, tr.104.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học  số 8 – 2005.

Copyright © 2012 – PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Leave a comment